• 0901 109 109
  • Zalo
MENU

Bỏ việc lương 50 triệu/tháng, mở quán cà phê từ "rác" thải

30/12/2024, 9:54 PM

Quán cá phê làm từ... "rác"
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Bắc Ninh, chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tại các làng nghề do xử lý rác thải chưa hợp lý, anh Nguyễn Văn Thơ luôn trăn trở suy nghĩ “làng lúc nào cũng có người mang án tử”, khi những người xung quanh đều chết vì căn bệnh ung thư. Điều đó đã thôi thúc anh nghỉ việc tại một công ty du lịch của Mỹ với thu nhập đáng mơ ước (khoảng 50 triệu đồng/tháng) để chuyển hướng sang kinh doanh quán cà phê tái chế.
Nằm tại một con hẻm nhỏ ở phố Hàng Tre, quán cà phê Hidden Gem khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi sự độc đáo và lạ mắt mà nó mang lại. Toàn bộ các đồ vật trong quán từ bàn ghế, ống hút, cốc chén... đều là vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Những đồ vật như đầu máy cày, chân bàn máy khâu, lốp xe... đều được anh Thơ kéo dài vòng đời tạo thành các vật dụng hữu ích.

Nhiều đồ dùng được sử dụng tái chế, thông điệp về môi trường còn được thể hiện qua nhiều bức ảnh được treo trên tường

Thông thường, các quán cà phê chỉ mất từ 1 - 2 tháng để xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, anh Thơ đã mất đến 5 tháng để hoàn thiện quán cà phê của mình. Chàng trai này đã một mình đi xe máy dọc quốc lộ từ Hà Nội đến Bắc Ninh để thu gom rác thải, mang về tự chế tác.
Vật liệu sau khi được thu gom, anh Thơ rửa sạch, trang trí và lắp thành các vật dụng. Trong quá trình xử lý, anh luôn tuân thủ quy tắc không đốt phế liệu để đảm bảo không gây hại tới môi trường và sức khỏe người sử dụng. Nói thêm về quá trình xử lý, anh Thơ chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở làng nên việc gì đến tay cũng phải biết làm. 3.000 chai nhựa và sản phẩm khác nhau đều được anh tự chế.

Những đôi giày cũ được sử dụng thay thế cho các chậu cây

Mang 'rác' tới quán được giảm giá 10 - 20%

Với mong muốn khách hàng cũng là những người thu gom rác, khi mang những vật dụng tái chế đến quán sẽ được giảm giá đồ uống từ 10 - 20%. Đối với những sản phẩm không thể tự tái chế, anh Thơ sẽ làm cầu nối tới các đơn vị khác để xử lý. Ở đây, anh là một “ngân hàng rác” Ralava (Rác là vàng) - đơn vị chuyên xử lý nhựa tái sinh. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn cho các bạn học sinh tái chế rác thải tại trường tiểu học, trung học cơ sở và mở các buổi workshop để mọi người được trải nghiệm cách tái chế.
Anh Thơ chia sẻ: “Mình muốn thay đổi ý thức của cộng đồng từ những việc nhỏ nhất, biến rác thải thành một nguồn tài nguyên như các quốc gia khác mà họ vẫn đang làm như Nhật Bản, Singapore. Mọi thứ bỏ đi nếu biết khai thác đều có thể trở thành tài nguyên. Mình biết, một cánh én thì không mang nổi mùa xuân, nhưng có một cánh én, thì vẫn là báo hiệu mùa xuân đến”.

1.000 chai nhựa được vẽ thành các bông hoa làm mái che cho quán

Ngoài quán tại Hà Nội, anh Thơ cũng đã khai trương quán cà phê tái chế tại TP.HCM và sắp tới là tại quê hương Bắc Ninh. Anh cũng có dự định tiếp tục nhân rộng mô hình này và truyền tải, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường từ tái chế rác thải. Anh mong muốn sẽ có nhiều người đồng hành cùng với anh trên con đường bảo vệ và giữ gìn môi trường, lối sống xanh này.

Theo Thanh Niên Online