• 0901 109 109
  • Zalo
MENU

Khi người thu mua phế liệu là “tuyên truyền viên” bảo vệ môi trường

12/09/2024, 5:31 PM

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng ban Điều hành (BĐH) dự án, cho biết sau khi dự án được Văn phòng UNDP GEF SGP phê duyệt, tháng 3-2021, BĐH đã phân công chuyên gia và cán bộ hiện trường cùng điều phối viên dự án thực hiện khảo sát, tập hợp những người thu mua gom phế liệu và cơ sở thu mua phế liệu nhằm xác định được cơ sở thông tin nền hỗ trợ cho việc thiết kế các lớp tập huấn xây dựng mô hình kết nối mạng lưới trong quản lý tổng hợp rác thải.

Các chị trong tổ thu gom phế liệu tại phường Tân Bình (TP.Dĩ An) phân loại rác thải tại nguồn

Thông qua danh sách từ ngành tài nguyên và môi trường quản lý, qua khảo sát các tổ phụ nữ tại các khu phố, chủ cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn 3 phường Đông Hòa, Tân Bình và Dĩ An (TP.Dĩ An), BĐH dự án đã có danh sách các chị làm nghề thu mua phế liệu, tìm hiểu nhóm phế liệu mà họ thu mua hàng ngày để có thể giúp đỡ, tập huấn cho họ thành “tuyên truyền viên” phân loại rác thải tại nguồn. Tổ thu gom phế liệu và cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn TP.Dĩ An được thành lập gồm 59 thành viên. Sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, nhiều thành viên trong tổ di chuyển về quê hoặc chuyển nơi cư trú, dẫn đến số lượng thành viên giảm. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, BĐH đã vận động, tập hợp người tham gia mới, đến nay số lượng thành viên tổ thu gom phế liệu là 52 người chia thành 3 tổ. Hoạt động của các chị sau tham gia dự án nhận được phản hồi tích cực. Các chị được tham quan mô hình xử lý rác thải tại Khu xử lý chất thải Nam Bình Dương, một số chị được đi tham quan có phản hồi tích cực.

Qua các buổi tập huấn, họp kết nối, sinh hoạt định kỳ, các chị cũng nhận thức được công việc mình đang làm góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện việc phân loại rác thải tại gia đình, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, nhờ tham gia nhóm, họ cũng thấy vui vì làm cùng ngành nghề với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức thu gom phế liệu để có nguồn thu nhập cao. Họ thấy phấn khởi vì được nhận phúc lợi từ dự án như hoạt động trao sinh kế, tham quan học tập…

Một điều đáng mừng là khi tham gia mô hình, các chị đã được tạo điều kiện cho xoay vòng vốn hỗ trợ sinh kế. Theo đó, quỹ sinh kế có nguồn vốn ban đầu do dự án hỗ trợ là 138 triệu đồng. Mỗi chị có nhu cầu được vay 5 triệu đồng để mua xe đạp và làm tiền vốn mua phế liệu hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Ngân, một trong những thành viên tích cực của nhóm thu mua phế liệu tại TP.Dĩ An, cho biết khi tham gia nhóm chị thấy vui vì trong thành phần tham gia hầu hết làm cùng ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm cách thức thu gom phế liệu để có nguồn thu nhập cao. Các chị khác cũng cho biết họ thấy phấn khởi vì sẽ được nhận phúc lợi từ dự án như hoạt động trao sinh kế, được tham quan học tập, giao lưu cùng nhau…

Bên cạnh những thuận lợi, các chị cho biết có những khó khăn, kiến nghị cần tháo gỡ, như: Trong công tác tập hợp thành viên tham gia hội họp còn khó khăn, chưa tham gia đầy đủ do các chị bận phải đi làm. Trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện di dời các cơ sở thu gom phế liệu, nhiều cơ sở không có vị trí di dời phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập của người thu gom và chủ thu gom... Về những khó khăn của các chị, bà Trương Thanh Nga cho biết cán bộ hội các cấp sẽ tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của các chị nhằm có hướng hỗ trợ kịp thời để họ yên tâm với ngành nghề của mình, tăng thu nhập và quan trọng là tiếp tục làm tuyên truyền viên giúp người dân nâng cao ý thức phân loại rác thải nguồn, bảo vệ môi trường sống xanh hơn, sạch hơn.

Theo Báo Bình Dương