• 0901 109 109
  • Zalo
MENU

"Nghìn lẻ một" phương pháp tái chế rác thải tại nhà hữu dụng

21/11/2024, 2:32 PM

Ý tưởng tái chế rác thải góp phần bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp

1. Các phương pháp tái chế rác thải nhựa
Các loại rác thải nhựa như chai đựng nước khoáng, chai nước ngọt, thùng nhựa, rổ nhựa,… được làm từ nhựa PET, nhựa nguyên sinh PP, HDPE hay PVC hoàn toàn có thể góp phần không nhỏ vào công cuộc décor, chăm sóc nhà cửa. Để làm được điều đó, bạn có thể thử áp dụng một số cách sau:

Làm chậu trồng cây

Tái chế rác thải nhựa làm chậu trồng cây

Để làm chậu trồng cây từ rác thải nhựa, bạn chọn các chai hoặc thùng nhựa với kích thước phù hợp rồi thực hiện như sau:

Bước 1: Dùng nước rửa bát để làm sạch chai nhựa/thùng nhựa không còn sử dụng rồi để khô.
Bước 2: Cắt bớt phần thừa hoặc khoét dọc trên thân chai nhựa một hình chữ nhật để có chỗ cho cây vào.  
Bước 3: Dùng que sắt nung nóng hoặc dùng khoan đục lỗ thoát nước ở phần đáy.
Bước 4: Cho đất vào là bạn có thể tái chế rác thải nhựa thành công và tận dụng chúng trồng các loại cây theo sở thích như rau củ, hoa, cây cảnh,…
Trang trí nhà cửa

Ý tưởng tái chế rác thải nhựa trang trí nhà cửa

Biến chai lọ nhựa thành đồ vật trang trí nhà cửa cũng được xem là một trong các ý tưởng tái chế rác thải thú vị nhất. Bạn có thể thử các phương án sau:

Dùng thìa nhựa ăn sữa chua ráp lại với nhau bằng súng bắn keo để tạo đèn chùm trang trí đầy độc đáo.
Các loại hộp mỹ phẩm nhựa, sáp vuốt tóc,… nhỏ xinh có thể làm sạch, sơn màu yêu thích và gắn lại với nhau bằng keo tạo hình sáng tạo. Bạn có thể để chúng trên kệ trang trí, bàn học, bàn làm việc hoặc gắn lên tường phòng ngủ.
Sơn màu và gắn thêm phụ kiện bằng vải, giấy lên chai nhựa để biến chúng thành đồ trang trí trong nhà.
Làm vật dụng


Tái chế rác thải nhựa làm vật dụng chăm sóc thú cưng

Với các món đồ nhựa kích thước lớn như can nhựa, rổ, chậu,… khi không còn sử dụng bạn có thể tái chế chúng thành các vật dụng hữu ích khác. Ví dụ như:

Cắt can nhựa theo đường vát xéo có thể dùng làm hót rác.
Dùng chậu cũ đựng cát vệ sinh cho thú cưng.
Dùng rổ nhựa cũ làm khay trồng giá đỗ.
Tái chế chai nhựa làm đồ chơi


Sáng tạo đồ chơi từ chai, lọ nhựa đã qua sử dụng

Cha mẹ có thể dành thời gian sáng tạo cùng các con thông qua hoạt động tái chế rác thải bằng cách tự “sáng chế” đồ chơi với các loại đồ dùng cũ bằng nhựa trong nhà. Một số gợi ý có thể thử như:

Làm ống heo tiết kiệm: Lấy chai nhựa rửa sạch, để khô rồi khoét một khe nhỏ trên thân chai. Dùng giấy màu cắt dán và trang trí thành các phụ kiện dễ thương để tạo hình theo sở thích của bé.
Làm ống đựng bút: Cắt bỏ phần thừa và khoét thân chai nhựa để tạo hình phù hợp. Sau đó sơn màu yêu thích kết hợp giấy dán và các loại phụ kiện khác để trang trí, bạn sẽ có ngay một hộp bút vô cùng tiện lợi.
Tái chế ống hút nhựa

Tự chế lọ hoa từ ống hút nhựa bỏ đi để trang trí cho căn nhà thêm lung linh

Các loại ống hút nhựa nhiều màu sắc sau khi sử dụng xong cũng có thể trở thành phụ kiện xinh xắn để decor không gian sống. Bạn có thể dùng chúng dán viền trang trí khung tranh ảnh, gấp thành hình hoa để dán lên hộp bút hoặc cắm vào bình. Rất dễ dàng đúng không?

2. Các ý tưởng tái chế chai lọ thủy tinh
Bên cạnh việc tái chế rác thải nhựa, các loại chai lọ thủy tinh cũng có thể được tái sử dụng như những vật dụng hữu ích. Ví dụ như:

Làm bình cắm hoa

Ý tưởng tái chế rác thải chai lọ thủy tinh làm bình cắm hoa

Bạn có thể chọn các chai thủy tinh kích thước phù hợp, làm sạch và dùng chúng như một bình cắm hoa để trang trí nhà cửa. Nếu muốn biến tấu chúng trở nên bắt mắt hơn, bạn có thể sơn màu hoặc cách điệu bằng cách cột dây, đính nơ lên phần cổ và thân chai.

Làm bóng đèn trang trí

Decor một góc cực chill ở ngoài vườn, ban công với bóng đèn làm từ chai thủy tinh

Không gian sinh hoạt của gia đình bạn sẽ thêm phần lung linh khi bạn tự biếu tấu một dàn đèn chùm từ chai thủy tinh. Bạn chỉ cần làm sạch chúng, chuẩn bị một giá đỡ hình dáng phù hợp rồi gắn các chai thủy tinh lên. Sau đó đặt nến vào bên trong để đốt hoặc cho đèn nháy vào và treo ngoài ban công. Tin rằng bạn sẽ có một góc sống ảo cực chill để khoe với bạn bè mỗi tối đấy.

3. Ý tưởng tái chế lốp xe ô tô hỏng
Với lốp xe hỏng, bạn đừng vội vứt đi mà có thể tận dụng làm chậu trồng cây cảnh, trồng rau hoặc chế một cái xích đu cho bé yêu. Một số ý tưởng tái chế rác thải từ lốp xe như:

Làm chậu trồng cây

Tận dụng lốp xe cũ trồng cây để sở hữu ngay một khu vườn mini xinh xắn

Bạn chuẩn bị lớp lót đáy bằng nhựa hoặc gỗ có lỗ thoát nước, đổ đất vào là có thể sử dụng để trồng cây. Nếu muốn độc đáo và bắt mắt hơn, bạn có thể sơn màu cho chúng và kết hợp với nhau tạo thành một góc vườn nhỏ xinh.

Làm xích đu

Tái chế lốp xe cũ làm xích đu ngoài trời

Chuẩn bị dây treo xích đu, chú ý chọn loại bền, chắc để đảm bảo an toàn. Sau đó, bạn cần dùng khoan tạo lỗ trên thân lốp để xỏ dây treo qua. Cuối cùng, cố định dây treo lên khung đỡ hoặc cành cây ở độ cao vừa vặn. Như vậy là bạn đã có một chỗ ngồi thư giãn tuyệt vời hàng ngày rồi đấy!

4. Những lưu ý trong tái chế rác thải tại nhà
Việc sử dụng rác thải nhựa để tái chế thành đồ dùng, đồ trang trí không yêu cầu kỹ thuật quá phức tạp. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số khía cạnh để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong sử dụng.

Phân loại rác trước khi tái chế
Phân loại rác thải dựa trên đặc tính và cấu tạo sẽ giúp bạn định hướng phương án tái chế phù hợp và hiệu quả. Vì vậy, đừng ngại bỏ thêm vài phút mỗi ngày để lọc ra những đồ dùng vẫn có thể tiếp tục tận dụng nhé.

Để tiện cho hoạt động này, bạn có thể trang bị sẵn thùng rác nhựa phân loại trong nhà. Như vậy mỗi khi vứt rác, bạn có thể tự sắp xếp các loại rác vào nhóm khác nhau và quyết định phương án xử lý tối ưu nhất cho chúng. 

Tái chế những loại rác thải an toàn và sử dụng đúng mục đích


Tái chế những loại rác an toàn và sử dụng đúng mục đích để có được hiệu quả cao nhất

Không phải tất cả các loại rác thải đều có thể sử dụng tái chế. Trước hết, chúng ta cần xác định chỉ nên chọn các loại rác làm từ chất liệu an toàn để đảm bảo quá trình tiếp xúc, sử dụng về sau không gây hại cho sức khỏe và môi trường.

Bên cạnh đó, các ý tưởng tái chế rác thải chỉ phát huy tác dụng khi bạn dùng chúng đúng mục đích. Ví dụ như các loại chai, lọ làm từ nhựa HDPE có thể phù hợp để để tái sử dụng để đựng đồ uống hàng ngà. Tuy nhiên, với chai, lọ làm từ nhựa PVC thì bạn chỉ có thể tái chế để trang trí hoặc trồng cây chứ không dùng để đựng thực phẩm đồ uống được.

Với những phương pháp tái chế rác thải đơn giản, tiện lợi được đề cập trong bài, hẳn rằng bạn đọc đã có thêm không ít ý tưởng cho riêng mình rồi đúng không? Đừng ngại thử nghiệm và chia sẻ lại thành quả tuyệt vời của bạn nhé!