• 0901 109 109
  • Zalo
MENU

Tổ tự quản nghề ve chai, một ý tưởng mới trong bảo vệ môi trường

21/11/2024, 2:51 PM

Mệ Võ Thị Vang cảm thấy vui mừng khi biết tin tổ hợp tác ve chai phường An Đông ra đời và mệ là một trong 11 thành viên đầu tiên của tổ. Với sự hỗ trợ của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Hội LHPN tỉnh, UBND phường An Đông và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), tổ hợp tác nghề ve chai, thu gom phế liệu đầu tiên của phường An Đông cũng như Thừa Thiên Huế đã được hình thành với mục tiêu nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, tăng tỷ lệ rác thải tái chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường triển khai phong trào “Phân loại rác thải tại nguồn”; giúp chị em trao đổi, chia sẻ các hoạt động từ nghề thu gom phế liệu; tuyên truyền, vận động phụ nữ, hội viên phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để động viên. Sau 3 tháng thành lập, tổ hợp tác nghề ve chai - phế liệu bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả.

Tháng 12/2022, tổ tự quản ra mắt với nhiều kỳ vọng. Tháng đầu tiên, nhiều cuộc họp đã triển khai để xây dựng phương án, kế hoạch thu mua, đặc biệt với sự hỗ trợ của Hội LHPN TP. Huế, Hội LHPN phường An Đông, các đơn vị tài trợ, các chị đã mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mua chung, bán chung, từ cách làm ăn, phát triển trong tương lai đến việc chia sẻ nghề nghiệp khi ốm đau, giảm sức khỏe. “Các chị lần đầu tiên biết đến mua chung và bán chung ve chai, trước giờ chỉ biết làm riêng, mạnh ai nấy làm, đôi khi lại cạnh tranh dẫn đến mâu thuẫn”, đó là chia sẻ của chị Trần Thị Xuân - trưởng nhóm. Giờ đây các mẹ, các chị đã cùng nhau tìm kiếm những đơn hàng chung, lợi ích được phân chia rõ ràng, 80% cho các thành viên, 20% trích lại quỹ nhóm. Mặc dù mức trích cao, nhưng các chị cảm thấy vui vì có được một nguồn quỹ hỗ trợ thăm hỏi khi ốm đau, hoặc đôi khi là nguồn tín dụng nhỏ để vay mua bán khi cần.

Không nghĩ nghề của mình lại thành lập được tổ tự quản, lại được xã hội trân trọng là tâm trạng chung của các chị khi thành lập tổ. Sau mấy tháng hoạt động, các đơn hàng mua chung bước đầu đã củng cố thêm niềm tin của các chị. Hơn 10 đơn hàng mua chung với kinh phí trích lại bước đầu hơn 1 triệu, đã mang lại niềm tin cho các chị với mong muốn sẽ phát triển thêm tổ hợp tác, nhiều thành viên sẽ tham gia hơn, cơ chế chia sẻ lợi ích sẽ tốt hơn để các chị có thể sớm ổn định hơn về kinh tế gia đình. Số tiền tuy không lớn, nhưng thông qua đó các chị có thêm động lực, có thêm nguồn vốn mua bán xoay vòng, cải thiện được kinh tế gia đình.

Thành công bước đầu của mô hình tổ tự quản nghề ve chai, phế liệu phường An Đông, bà Lê Thị Thanh Thủy, cán bộ kỹ thuật cao cấp dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do WWF thực hiện chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là nhân rộng hơn nữa mô hình này để các chị, các mẹ có thể cải thiện được thu nhập, qua đó cũng thay đổi góc nhìn của cộng đồng về nghề ve chai, phế liệu truyền thống, góp phần cải thiện tỷ lệ rác tái chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại TP. Huế. Theo dự kiến, chúng tôi sẽ thành lập thêm 1-2 tổ hợp tác thu mua ve chai trong năm 2023 và tiến tới nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác”.

Theo Nông Thôn Mới Thừa Thiên Huế